(Nguồn: Imaginechina)
Trong khi câu trả lời dường như sẽ là "Không" ở nhiều nước phương Tây, kịch bản này đang dần trở thành hiện thực ở Trung Quốc.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt, vốn là một điểm nhấn trong những bộ phim như Minority Report, giờ đã nhanh chóng len lỏi vào cuộc sống thường nhật của ngày càng nhiều người dân Trung Quốc.
Từ các ứng dụng thương mại…
Giáo sư Wang Shengjin từ Khoa Kỹ thuật Điện tử trường Đại học Thanh Hoa nổi tiếng của Trung Quốc cho biết các công nghệ nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc cũng tiến bộ như ở các nước phát triển phương Tây, nhưng Trung Quốc lại tiến xa hơn nhiều khi ứng dụng chúng trong thương mại.
Một số ngân hàng ở nước này đã tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào mạng lưới ATM. Trong đó, các cây ATM ở 3 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) tại thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, đã ứng dụng công nghệ mới này thay thế thẻ ngân hàng trong mỗi giao dịch rút tiền hoặc gửi tiền.
Ngoài ABC, Ngân hàng China Merchants Bank (CMB) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cũng đã tích hợp công nghệ này vào mạng lưới ATM.
Theo đó, khách hàng cần thực hiện các thao tác nhấn nút kích hoạt hệ thống nhận dạng khuôn mặt, quét hình ảnh khuôn mặt thông qua camera, nhập số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước (ID), nhập số tiền cần giao dịch và mật khẩu.
ABC nhận định công nghệ này có thể loại trừ nguy cơ sao chép trái phép thông tin thẻ cũng như khả năng ATM “nuốt” thẻ, đồng thời nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.
Các chuyên gia kỹ thuật của ABC khẳng định công nghệ trên có độ an toàn cao bởi không chỉ so sánh hình ảnh khuôn mặt của khách hàng trong hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) của cơ quan công an mà còn đòi hỏi số ID hoặc số điện thoại di động và mật khẩu.
Ngoài ra, camera hồng ngoại thế hệ mới nhất cũng có khả năng giảm thiểu nguy cơ về các hành vi trái pháp luật.
Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ nhận diện khuôn mặt còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác.
Ant Financial, công ty trực thuộc gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, đã hợp tác với KFC tại thành phố Hàng Châu để ra mắt dịch vụ "cười để thanh toán."
Dịch vụ này cho phép khách hàng chọn “quét hình ảnh khuôn mặt” như một phương thức thanh toán sau khi đặt hàng.
Trong một số trường hợp, quá trình chứng thực sẽ yêu cầu người sử dụng xác nhận bằng video trực tiếp. Khi đó máy tính có thể phân tích những chuyển động khuôn mặt và đối chiếu với ảnh chứng minh nhân dân để xác thực danh tính. Ông Xie cho biết công nghệ này còn có thể phân biệt giữa ảnh chụp với người thật.
Trong khi đó, nhiều khách sạn, trường học và nhà trẻ cũng lắp đặt camera để quét hình ảnh khuôn mặt của mọi người trước khi cho vào.
Một số trường đại học thậm chí còn sử dụng công nghệ này để phát hiện thí sinh đi thi hộ. Và một cửa hàng KFC ở Bắc Kinh cũng đang áp dụng công nghệ quét hình ảnh khuôn mặt của khách hàng để gợi ý các món ăn dựa trên các yếu tố như tuổi tác, giới tính và tâm trạng.
… Đến sự quản lý của chính phủ
Trong nỗ lực nhằm giám sát công dân chặt chẽ hơn, giới chức Trung Quốc đang tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt vào mạng lưới camera giám sát rộng khắp ở nước này, hiện đã lên đến con số 176 triệu camera, trong khi ở Mỹ chỉ có 50 triệu, theo kết quả điều tra của công ty tư vấn IHS Markit.
Giống như ở Mỹ, các cơ quan chức năng Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để đối chiếu các đoạn phim từ camera giám sát an ninh với cơ sở dữ liệu ảnh chứng minh nhân dân khổng lồ để truy bắt tội phạm và khủng bố.
Công nghệ này thực sự đã phát triển đến mức có thể tìm được một người chỉ bằng những bức hình chụp từ 10 năm về trước, và còn có nhiều cách để nâng cao chất lượng ảnh bị mờ nhòe.
Tuy nhiên, những mục đích sử dụng khác của công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể khiến nhiều người phương Tây e ngại.
Nằm trong khuôn khổ chiến dịch quốc gia nhằm thúc đẩy những hành vi văn minh, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để chỉ đích danh những người vi phạm giao thông ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc, trong đó cóThâm Quyến và Tế Nam.
Theo Tân Hoa Xã, chẳng hạn như ở Tế Nam, camera nhận diện khuôn mặt có thể ghi lại những video ngắn của người đi bộ qua đường khi chưa có tín hiệu cho phép từ đèn giao thông.
Thông tin cá nhân của người vi phạm, bao gồm tên và địa chỉ nơi ở sẽ được hiển thị trên màn hình ở lề đường như một lời cảnh cáo.
Theo luật Trung Quốc, việc này không cấu thành hành vi vi phạm quyền riêng tư.
Ông Ronald Cheng, đối tác của Công ty luật quốc tế O’Melveny, cho biết mặc dù công nghệ nhận diện khuôn mặt đã xuất hiện nhiều năm, song phải đến tháng Sáu vừa qua, bộ luật liên quan nhất đến lĩnh vực này mới có hiệu lực cho.
Luật an ninh mạng được áp dụng mới đây của Trung Quốc có những điều luật về việc thu thập thông tin cá nhân, bao gồm cả các đặc điểm sinh trắc học, để phục vụ cho mục đích thương mại, song luật này lại không áp dụng với các chính quyền địa phương, ông Cheng cho biết.
Chuyên gia này cho hay về phía các công dân, họ có thể yêu cầu xóa thông tin cá nhân hay tìm kiếm các biện pháp khắc phục nếu các công ty bị phát hiện có hành vi vi phạm luật an ninh mạng.
Tuy nhiên, do bộ luật chỉ mới được ban hành nên việc thực thi vẫn còn phải theo dõi. Dù sao, Trung Quốc cũng đang hướng tới một tương lai mà camera nhận diện khuôn mặt sẽ hiện diện ở khắp mọi nơi.
Phó giáo sư Leng Biao từ Trường Khoa học và Kỹ thuật Máy tính thuộc Đại học Beihang của Trung Quốc nhận định rằng Trung Quốc sẽ vẫn đi trước các nước phương Tây trong việc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và từ phương diện chiến lược của chính phủ, công nghệ này ở Trung Quốc sẽ tiến bộ nhanh hơn so với Mỹ và các nước châu Âu.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: baodientu@baobinhphuoc.com.vn
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065