Sau khi xảy ra 35 sự cố cháy nổ do quá nhiệt với điện thoại Note 7 ở phạm vi toàn cầu, Samsung đã đưa ra quyết định chưa từng có là thu hồi khẩn cấp toàn bộ 2,5 triệu chiếc điện thoại đã được cung ứng và bán ra ngoài thị trường đồng thời dừng toàn bộ hoạt động bán hàng và cung ứng mẫu điện thoại này.
Samsung cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và nhà mạng di động trên thế giới để hoàn tiền và đổi máy điện thại cho khách hàng.
Ở mỗi thị trường, Samsung đều đưa ra một thông báo: Hãy trả lại chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 7 ngay, đề phòng trường hợp xấu xảy ra đối với bạn.
Đến nay, giới công nghệ và người tiêu dùng luôn tự đặt câu hỏi: Chuyện gì đã khiến những chiếc điện thoại Note 7 trở thành những quả bom? Và những chiếc pin trong Note 7 bị lỗi thế nào để khiến nó dễ dàng bị bắt lửa và cháy nổ?
Dưới đây là những gì chúng ta cần biết về sự cố pin tồi tệ của Samsung:
Sự cố pin Note 7 dưới góc độ khoa học
Theo cơ sở khoa học về pin thì các vụ cháy pin điện thoại xảy ra rất đơn giản và khá dễ hiểu. Các điện thoại di động hiện nay đều sử dụng pin lithium-ion để cấp điện năng hoạt động và chất lỏng (dung dịch điện ly) trong loại pin này thì rất dễ cháy.
Pin lithium-ion dễ xảy ra hiện tượng pin ngắn mạch khi gặp nhiệt độ cao khiến các hạt kim loại trong dung dịch điện ly chuyển động quá gần màng ngăn cách điện (mỏng, làm bằng nhựa PE hoặc PP) nằm giữa cực âm và cực dương. Và điều này có thể làm thủng màng ngăn cách vỗn có chức căng cách điện giữa cực âm và cực dương, làm cho cực âm và cực dương bị ngắn mạch, nhiệt độ tăng cao bất thường phá hủy kết cấu pin, dẫn tới nổ pin.
Galaxy Note 7 chắc chắn không phải là mẫu điện thoại đầu tiên dễ bắt lửa, hoặc thậm chí bị chịu đợt thu hồi khổng lồ đầu tiên. Năm 2009, Nokia đã thu hồi 46 triệu pin điện thoại có nguy cơ chập điện. Nhiều vụ nổ điện thoại thậm chí đã gây ra chết người.
Không có thương hiệu hoặc mẫu thiết bị di động nào là an toàn tuyệt đối. Ví dụ, trong năm 2015 và cả 2016 này, một số người dùng iPhone đã không may bị bỏng do điện thoại của họ bị nổ. Và mặc dù Galaxy Note 7 trở thành một nỗi ám ảnh thì những chiếc điện thoại khác của Samsung cũng đã bốc cháy, giống như Galaxy core bị cho là tác nhân gây bỏng cho một đứa trẻ 6 tuổi vào đầu tuần này.
Chúng ta đã được biết đến về những nguy cơ cháy nổ với pin lithium-ion trong nhiều năm qua, nhưng thực tế là ngành công nghiệp điện tử vẫn tiếp tục sử dụng loại pin này ngày càng nhiều hơn vì tính gọn nhẹ của nó.
Samsung nói số điện thoại Note 7 bị lỗi rất ít
Một quan chức giấu tên của Samsung khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết những khiếm khuyết trong sản xuất điện thoại chỉ ảnh hưởng tới chưa đầy 0,01% tất cả điện thoại Note 7 được bán ra.
Mặc dù số điện thoại bị lỗi có thể chỉ chiếm rất ít trong tổng số điện thoại được bán ra nhưng chúng lại đang thực sự là mối đe dọa lớn tới danh tiếng của Samsung bởi tần suất xuất hiện các sự cố từ các điện thoại bị lỗi đang diễn ra quá dày đặc đủ để khiến người ta kết luận Note 7 là một mối nguy hiểm.
Chỉ sau ngày ra mắt đầu tháng 8 một thời gian ngắn, chiếc điện thoại tiên phong của Samsung đã liên tiếp vấp phải những sự cố cháy nổ do lỗi pin. Theo những thống kê chính thức từ phía Samsung, có ít nhất 30 sự cố cháy nổ điện thoại Note 7 được ghi nhận trên toàn thế giới.
Vậy điều gì đã khiến Note 7 bị xảy ra sự cố cháy nổ pin liên tiếp?
- Samsung có thể đã nén pin của Note 7 quá chặt hơn mức chịu đựng của nó.
Theo một báo cáo sơ bộ không không bố của Samsung gửi tới Cơ quan quản lý về công nghệ và tiêu chuẩn Hàn Quốc, do hãng tin Bloomberg thu được, Samsung cho biết đã có một lỗi sản xuất với Note 7 đó là"tạo áp lực lên các tấm ngăn bên trong các thẻ pin." Các tấm ngăn này ngăn cách tiếp xúc giữa cực âm và cực dương của pin.
Điều này dẫn tới hiện tượng pin ngắn mạch như đã trình bày ở trên và làm cho Note 7 có nguy cơ cháy rất lớn khi gặp thêm các yếu tố tác động bên ngoài như nhiệt độ bên ngoài.
Nhưng Samsung nén pin Note 7 để làm gì? Theo giáo sư hóa học vật liệu Don Sadoway của Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) khi trả lời phỏng vấn trang tin CNET, các tấm pin điện thoại ngày nay đang được làm theo kiểu nhồi nhét (theo nghĩa đen) quá nhiều dung lượng pin trong khi thể tích pin có hạn và ông cho biết các công ty pin đang chịu áp lực để nhồi nhét dung lượng pin càng nhiều càng tốt trong khi cấu tạo pin lại theo xu hướng ngày càng nhỏ, mỏng.
- Thêm một giả thuyết nữa về những tấm pin bị lỗi của Note 7. Đó là cơ chế tự ngắt sạc pin.
Hiện nay, pin điện thoại di động thường sạc nhanh hơn (và trở nên nóng hơn) khi ở giai đoạn đầu tiên cắm sạc, còn ở giai đoạn cuối, chúng thường sạc nhỏ giọt vài phần trăm cuối cùng để đạt được công suất tối đa.
Tuy nhiên điện thoại Note 7 không phát nổ ngay lập tức. Trong thực tế, các vụ cháy nổ Note 7 đã xảy ra sau khi điện thoại đã cắm sạc một thời gian, có khi qua đêm.
Vấn đề này có thể được lý giải bởi một giả thuyết là pin Note 7 không biết khi nào nó đạt 100% sạc, và tiếp tục gia tăng lượng điện sạc như lúc đầu sạc khiến pin tăng nhiệt liên tục tới mức phát nổ.
Giả thuyết này được củng cố khi mới đây Samsung cho biết họ sẽ tung ra một bản cập nhật phần mềm cho điện thoại Note 7, để giới hạn mức sạc pin tối đa ở mức 60%.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với Samsung và Note 7?
Tất cả những lý giải trên mới chỉ ở dạng giả thuyết còn câu trả lời chính thức về nguyên nhân thực sự của sự cố cháy nổ pin Note 7 thì sẽ phải chờ đợi ít nhất 6 tháng nữa khi Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC) công bố kết quả điều tra.
Và trong thời gian này, những khách hàng của Note 7 (ngoại trừ Mỹ vì phải đợi CPSC phê duyệt) cần dừng sử dụng, đưa máy điện thoại của họ đến các cửa hàng mua máy để đổi máy và nhận tiền hoàn trả.
Còn với Samsung, đến thời điểm này có thể khẳng định Note 7 là một vết đen mà họ cần phải nỗ lực vượt qua bằng cách chuẩn bị cho việc sớm cho ra một mẫu máy điện thoại khác thay thế - giới công nghệ đang mong chờ tới mẫu Galaxy S8 - để lấy lại uy tín.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: baodientu@baobinhphuoc.com.vn
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065